Phân biệt Data Analyst và Business Analyst

Khi mới bắt đầu tìm hiểu về ngành, có khá nhiều bạn sẽ phân vân về 2 vị trí Data Analyst (DA) và Business Analyst (BA). Tuy nhiên 2 vị trí này rất khác nhau về bản chất công việc. Bài viết này của mình sẽ giúp các bạn có được góc nhìn tổng quan nhất, phân biệt được 02 vị trí và trả lời câu hỏi đâu là vị trí phù hợp với mình nhất!

1. Phân biệt Data Analyst và Business Analyst

Data Analyst và Business Analyst, không giống nhau lắm đâu

Đầu tiên, bạn cần xác định một điều là 2 vị trí này hoàn toàn khác nhau. Để làm rõ sự khác biệt này, hãy phân tích kỹ vai trò, nhiệm vụ và kỹ năng của Data Analyst và Business Analyst.

  • Vai trò

Data Analyst là vị trí có nhiệm vụ phân tích và xử lý dữ liệu để tìm ra các insight giá trị, từ đó đưa ra đề xuất giải pháp và hỗ trợ quá trình ra quyết định cho business.

Business Analyst có nhiệm vụ chính làm việc với khách hàng để có thể hiểu rõ vấn đề của họ. Từ đó cùng team xây dựng nên giải pháp dựa trên yêu cầu đã thu thập được. Ở thời điểm mình từng làm vị trí BA, nhiệm vụ chính của mình là làm sao có thể hiểu được yêu cầu của khách hàng, từ đó thì mình chuyển giao, diễn giải lại cho team. Những yêu cầu này thường liên quan đến công nghệ: từ vận hành hệ thống thông tin nội bộ cho đến làm app.

Tổng quan, vị trí BA thiên về xây dựng sản phẩm xây dựng hệ thống, trong khi người làm Data Analyst sẽ liên quan đến business nhiều hơn. 

  • Kỹ năng

Data Analyst cần các tools như SQL/ R/Python (Pandas, Numpy, Matplotlib)/ Tableau/Power BI/ Data Modeling/ SAS/SPSS/ Excel/ AWS/Azure… để phục vụ công việc thu thập, làm sạch dữ liệu, xử lý và tìm ra insight giá trị, visualize và kể câu chuyện dữ liệu với ban lãnh đạo/stakeholder. Vị trí Data Analyst yêu cầu các kỹ năng mềm về làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình và thuyết phục.

Trong khi đó, Business Analyst sử dụng: SQL/ MS Access/ Excel…. Về cơ bản, Business Analyst sẽ tập trung nhiều vào quá trình giao tiếp với khách hàng, quản lý yêu cầu và chuyển giao yêu cầu cho team làm sản phẩm. Công việc này đòi hỏi BA có kỹ năng giao tiếp khéo léo, khả năng diễn đạt và làm việc nhóm hiệu quả, đàm phán và quản lý dự án.

Tổng quan, vị trí Data Analyst sẽ cần nhiều tools liên quan Data và lập trình nhiều hơn vị trí Business Analyst. Và người làm Business Analyst yêu cầu nhiều hơn về kỹ năng giao tiếp với khách hàng, làm sao có thể thấu hiểu được vấn đề của khách hàng và chuyển giao hiệu quả được cho team đấy là kỹ năng cốt lõi của vị trí Business Analyst.

2. Những hiểu lầm hay gặp về Data Analyst và Business Analyst

Nhầm lẫn về các vị trí

Cách đây 7 năm, khi các doanh nghiệp chưa có nhiều chiến lược đầu tư/ tập trung vào data, thì Business Analyst thường gộp chung BA IT và BA non IT. Hiện nay, các doanh nghiệp đã có lượng data rất lớn và cũng đã nhìn nhận vai trò của data trong phát triển khi đầu tư nhiều vào việc xây dựng các hệ thống data. Chính vì thế, trên thị trường tuyển dụng bắt đầu xuất hiện nhiều vị trí liên quan đến DA. Nhiều bạn sinh viên mới ra trường sẽ nhầm lẫn ở cách phân biệt các vị trí này. Mình sẽ chia thành 03 nhóm như sau:

  • Data Analyst: phải xử lý Data nhiều và làm việc với các hệ thống dữ liệu, phân tích dữ liệu.

  • BA IT: những công việc liên quan đến xây dựng hệ thống.

  • BA Non IT: phân tích kinh doanh nhưng không sử dụng data

3. Làm thế nào để biết mình phù hợp với Data Analyst và Business Analyst?

Nên chọn vị trí nào?

Để trả lời được câu hỏi này, các bạn cần lưu ý 3 điểm chính sau đây:

  • Đầu tiên, bạn phải hiểu rõ được từng công việc là gì và yêu cầu những gì và phù hợp với nhóm nào để từ đó mình lựa chọn phù hợp.

  • Thứ hai là sự chuẩn bị của các bạn. Đặt lên bàn cân, chúng ta sẽ thấy vị trí Data Analyst sẽ đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị nhiều hơn. Thường thì chúng ta mới ra trường thì apply vào vị trí BA nó sẽ dễ hơn so với vị trí Data Analyst. Trong khi, để trở thành DA đòi hỏi bạn có quá trình chuẩn bị kỹ càng mới có thể apply.

  • Thứ ba là xác định tình trạng hiện tại của bạn, mỗi người và trong mỗi giai đoạn là khác nhau. Ví dụ ở các bạn mới ra trường, sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị cũng như là khả năng học hỏi tiếp thu những kiến thức mới sẽ tốt hơn – so với người mà đi làm nhiều năm kinh nghiệm.

Đối với các bạn mới ra trường, mình luôn khuyên các bạn hãy cứ follow theo quyết tâm bên trong của mình, tìm hiểu thông tin càng kỹ và sâu thì càng dễ thấy con đường. Sau đó, hãy lên kế hoạch thực thi và theo đuổi mục tiêu đó đến khi đạt được. Chính sức trẻ, tinh thần học hỏi tiếp thu nhanh của các bạn sẽ giúp bản thân trải nghiệm nhiều hơn và luôn có nhiều cơ hội cho các bạn thử và sai.

Còn một số bạn hiện tại đã/đang đi làm nhiều năm và đang muốn chuyển qua làm BA hay DA thì bạn cần phân tích chỗ này kỹ hơn để có thể lựa chọn được quyết định phù hợp. Vì đa số các bạn đã đạt một level nhất định trong công việc, một mức thu nhập ổn định cũng như trang bị cho mình một lượng kiến thức chuyên môn sâu sắc. Với nhóm này, mình nhấn mạnh một điều đó là các bạn đừng bao giờ đặt vị thế của bản thân ngang với các bạn fresher mới ra trường – dù bạn trái ngành. Hãy dành thời gian để chiêm nghiệm, đánh giá khách quan về tiềm lực, ưu-nhược điểm, thành tựu… của bản thân để xác định lựa chọn nào là sáng suốt và phù hợp nhất.

Với các bạn cần công việc có tính chất ổn định về mặt chuyên môn thì mình hay đề xuất làm BA hơn. Lý do là vì ở vị trí BA các bạn có thể làm lâu dài được, cứ làm từ sản phẩm này qua sản phẩm khác, giống như một người kiến trúc sư sẽ xây dựng ngôi nhà này xong xây dựng ngôi nhà khác.

Trong khi Data Analystlà vị trí thiên về business nhiều hơn, mang tính bước đệm nhiều hơn. Vị trí DA phù hợp với các bạn trong giai đoạn đầu sự nghiệp, như các bạn mới ra trường hoặc đi làm một vài năm kinh nghiệm. Cá nhân mình thì các bạn dưới 27 tuổi thì cân nhắc làm Data Analyst, còn quá 27 tuổi thì nên suy nghĩ thật kỹ. Khi chúng ta làm DA khoảng 2 – 3 năm thì sẽ đạt đến độ chững và sau đó phải quyết định việc tiếp theo làm gì chứ không thể làm mãi DA được. Còn vị trí BA các bạn có thể làm trong khoảng thời gian dài. Do đó, mình hay khuyên các bạn có nhiều năm kinh nghiệm phải suy nghĩ để đưa ra được chọn Business Analyst hay Data Analyst.

Kết lại, với chủ đề về hai vị trí Data Analyst và Business Analyst này mình tập trung vào việc chia sẻ dựa trên kinh nghiệm làm việc và quan sát của cá nhân, mong chia sẻ này sẽ hữu ích đối với các bạn khi còn đang phân vân về 2 vị trí Business Analyst và Data Analyst. Lời khuyên của mình cho các vị trí mang tính chất tham khảo thêm, quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của các bạn đối với sự nghiệp của mình. Nếu bạn đang gặp khó khăn trên con đường gia nhập ngành data hoặc đơn giản là muốn trò chuyện sâu hơn cùng Vinh, hãy liên hệ qua các kênh thông tin bên dưới để mình cùng trao đổi nhé!

Xem Infographic của bài viết này tại đây

– Xem ngay Lộ trình học Data Analyst chuyển ngành thành công trong vòng 6 tháng
– Xem ngay Lộ trình học Marketing Automation & Analytics Coaching 1 on 1 để upgrade kỹ năng phân tích cho Marketer
– Tham gia Vietnam Data Analyst Forum – #1 Informative Group để học hỏi và chia sẻ kiến thức về Data Analytics
– Cập nhật lịch khai giảng, chương trình ưu đãi và nhận tư vấn chuyển ngành miễn phí tại Data Coaching 1 on 1 – UniGap

Share để lưu bài viết

2 Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *